Tù binh Ngõa Lạt Minh_Anh_Tông

Thân chinh

Tuy Mông Cổ bị Minh Thái Tổ đánh đuổi về thảo nguyên phía bắc nhưng vẫn là lực lượng hùng mạnh, luôn uy hiếp biên cương nhà Minh trong những năm sau đó. Tộc Ngõa Lạt là một chi của Mông Cổ, đến đầu thời Minh đã lớn mạnh hơn so với các bộ tộc Mông Cổ khác. Lúc đó Đại hãn Thoát Thoát và thái sư Dã Tiên muốn tiến xuống phía nam.

Nhân lúc quân Minh sa lầy vào cuộc chiến ở phía tây nam, năm 1442 Dã Tiên mở rộng lãnh địa và ảnh hưởng tới các vùng xung quanh, dần dần mở rộng lãnh thổ từ phía đông tới Triều Tiên, phía tây tới Tân Cương.

Năm 1448, Dã Tiên lại cử đoàn sứ bộ gồm 2.524 người đến Bắc Kinh, nói thăng lên 3.598 người để lĩnh thêm đồ thưởng của nhà Minh. Vương Chấn ra lệnh điều tra số lượng sứ bộ, lại thấy ngựa mang cống của Dã Tiên nhỏ gầy, bèn hạ giá ngựa đi, rồi giảm đồ ban thưởng xuống chỉ còn 1/5[10]. Dã Tiên từng có hứa hẹn thông gia với nhà Minh, thấy triều Minh có ý khất việc đó và làm nhục sứ bộ, bèn nhân cớ đó để khởi binh.

Mùa hè năm 1449, Dã Tiên tập kết binh mã các nơi chuẩn bị tiến xuống phía nam. Tin truyền đến Bắc Kinh, Minh Anh Tông cử sứ đến các trấn Tuyên Phủ, Đại Đồng chỉnh đốn quân bị để đối phó.

Ngày 11 tháng 7, quân Ngõa Lạp của Dã Tiên ồ ạt tấn công Đại Đồng. Tướng Ngô Hạo nhà Minh đụng độ Dã Tiên ở Miêu Nhi Trang bị đại bại và tử trận. Minh Anh Tông điều Tỉnh Nguyên mang 4 vạn quân ra cứu viện, cũng bị tiêu diệt hoàn toàn[11].

Vương Chấn ra sức cổ vũ Anh Tông thân chinh noi theo gương các vua đời trước đánh Mông Cổ như Minh Thái Tổ và Minh Thành Tổ. Minh Anh Tông quen hưởng lạc, chưa có kinh nghiệm gian khổ trận mạc nên nghĩ việc quân sự khá đơn giản và nghe theo lời Vương Chấn[12].

Các đại thần như Thượng thư Bộ Binh là Khoáng Dã, Hữu thị lang Bộ Binh là Vu Khiêm, Thượng thư bộ Lại là Vương Trực... thấy Anh Tông định thân chinh, vội vã dâng sớ can ngăn, nhưng Anh Tông nhất định không nghe theo. Ngày rằm tháng 7 năm đó, ông ban chiếu thân chinh, để em là Thành vương Chu Kỳ Ngọc trấn thủ kinh thành, Phò mã đô úy Tiêu Kính phụ chính[13].

Tình hình ngoài mặt trận càng ngày càng bất lợi cho quân Minh. Ngày 16 tháng 7, Anh Tông lên đường ra mặt trận, mang theo 50 vạn tướng sĩ[13][14], đêm hôm đó đại quân đóng ở Ma Gia Lĩnh. Ngày 23 tháng 4 đại quân đến Tuyên Phủ. Những ngày hành quân liên tiếp có mưa gió, mọi người lo lắng, lương thảo không đủ, quân lĩnh đều mệt mỏi. Các quan xin Anh Tông ngừng hành quân vì quân sĩ kém hăng hái. Nhưng Anh Tông giao hết quyền cho Vương Chấn. Chấn một mực muốn đánh, hạ lệnh ba quân bày trận[15].

Ngày 28, Anh Tông tới phía nam thành Dương Hòa. Quân sĩ trông thấy xác chết của quân nhà trong trận đánh trước đó với quân Ngõa Thích, đều hoảng sợ. Ngày 1 tháng 8 thì đại quân đến Đại Đồng. Lúc này Dã Tiên sau trận thắng đã chủ động rút về phía bắc chờ đợi thời cơ. Vương Chân muốn phát lệnh bắc tiến, thái giám thân tín là Quách Kính vội báo với Vương Chấn về tình hình bi đát ngoài mặt trận của quân Minh. Vương Chấn biết tin thật, bắt đầu lo lắng, bèn quyết định rút quân về[16].

Ngày 2 tháng 8, đại quân bắt đầu rút về phía đông. Ban đầu, Vương Chấn định đi theo đường Tử Kinh Quan là đường ngắn để về nhanh. Tuy nhiên, đây cũng là đường qua Úy châu – quê Vương Chấn. Đi được 40 dặm, Vương Chấn chợt thay đổi ý định, sợ số quân lớn 50 vạn người sẽ giẫm nát lúa màu quê nhà, do đó quyết định đổi hướng hành quân từ đường đông nam lên đường đông bắc, đi theo đường cũ từ Tuyên Phủ về kinh. Việc thay đổi lộ trình vừa kéo dài thời gian, vừa gây ra nghi hoặc lớn trong các tướng sĩ[16].

Ngày 7 tháng 8, Anh Tông tới đến Tuyên Phủ. Dã Tiên phát hiện quân Minh đi đường vòng mất thời gian, bèn dẫn quân từ phía bắc đón đường vây đánh. Thượng thư Bộ Binh là Khoáng Dã đề nghị cử tinh binh đi sau cùng chặn hậu, còn xa giá phải nhanh chóng chạy vào cửa ải, nhưng Vương Chấn ra sức phản đối.

Ngày 10 tháng 8, Anh Tông đến đông nam Tuyên Phủ, ngày 12 sắp khởi hành thì nhận được tin báo quân Dã Tiên đã đuổi tới gần. Anh Tông bèn hạ lệnh đóng quân dựng trại một chỗ, cử anh em Ngô Khắc Trung và Ngô Khắc Cần ra chặn hậu. Dã Tiên đánh tới, giết chết anh em họ Ngô.

Chập tối, Anh Tông nghe tin anh em họ Ngô tử trận, bèn cử Chu Dũng, Tiết Phụ mang 4 vạn quân ra đánh, nhưng gặp phục binh ở hẻm núi Diều Nhi, toàn quân bị tiêu diệt.

Ngày 13, Anh Tông cùng đại quân tới pháo đài Thổ Mộc (Thổ Mộc Bảo), phía đông cách thành Hoài Lai 20 dặm. Quần thần kiến nghị kéo đến bảo vệ Hoài Lai, nhưng Vương Chấn cho rằng còn hơn 1000 xe quân dụng chưa tới, hạ lệnh toàn quân đóng lại Thổ Mộc Bảo để chờ đợi. Quân Minh chọn chỗ cao đóng trại, nhưng không tìm được nguồn nước.

Ngày 14 tháng 8, kỵ binh Ngõa Lạt đuổi đến nơi, bao vây chặt quân Minh, cắt đường nước suối phía nam cách đó 15 dặm. Quân Minh bị đói khát, phải kịch chiến suốt đêm ở phụ cận Ma Cốc Khẩu. Quân Minh không tìm được đường ra.

Đang lúc nguy cấp, có sứ giả của Dã Tiên tới xin nghị hòa, làm ra vẻ muốn rút quân. Anh Tông không biết là dối trá, bèn cho học sĩ Tào Nại thảo chiếu nghị hòa, rồi sai sứ sang gặp Dã Tiên. Vương Chấn cho rằng vòng vây đã được mở, vội hạ lệnh cho quân đi đến chỗ có gần nước. Trong lúc quân Minh tranh nhau đi lấy nước mất hàng lối thì quân Ngõa Lạt đột ngột tấn công. Mấy chục vạn quân Minh không kịp trở tay, không có đường chạy trốn, bị tử trận, thây nằm ngổn ngang[17][18].

Hộ vệ tướng quân Phàn Trung trong lúc hỗn loạn nổi giận cầm gậy đánh chết Vương Chấn. Sau đó Phàn Trung ra trận nhưng không chống nổi quân Ngõa Lạt và bị tử trận. Cùng bị giết với mấy chục vạn quân Minh có trên 50 quan văn võ là: Trương Phụ, Trần Doanh, Vương Tá (Thượng thư Bộ Hộ), Khoáng Dã (Thượng thư Bộ Binh), Tào Nại, Đình Tư, Vương Vĩnh Hòa, Đặng Khởi.

Minh Anh Tông biết không còn khả năng trốn chạy, bèn xuống ngựa chọn chỗ ngồi nhìn về hướng nam, chỉ còn 1 viên hoạn quan bên cạnh. Một kị binh Ngõa Lạt đuổi đến, muốn lấy bộ áo giáp quý giá trên người ông, nhưng ông cự tuyệt. Người lĩnh Ngõa Lạt định giết ông thì anh người đó phi ngựa tới ngăn lại vì trông thấy phong cách bất thường của ông. Hai anh em người lính dẫn Minh Anh Tông đến gặp em Dã Tiên là Trại San vương.

Tù binh

Vừa gặp Trại San vương, Anh Tông cất tiếng hỏi thân thế. Trại San vương nghe khẩu khí ông rất kinh ngạc, vội báo cho Dã Tiên. Dã Tiên bèn sai hai thủ hạ là Cáp Ba quốc sư và Cáp Giả Lý Bình Chương từng đi sứ nhà Minh đến nhận mặt. Sau khi xác định rõ là vua nhà Minh, Dã Tiên rất mừng, cho rằng đã có cơ hội tiến vào trung nguyên như các vua nhà Nguyên trước đây[19].

Dã Tiên muốn lấy Anh Tông làm con tin, bèn mang ông tới giao cho doanh trại của Bá Nhan Thiếp Mục Nhi phải bảo vệ.

Ngày 16 tháng 8, Dã Tiên mang Anh Tông đến phía nam thành Tuyên Phủ, bắt ông đứng ra dụ quân Minh trong thành phải mở cửa. Tướng giữ thành là Quách Đăng không chịu vì hiểu ý đồ cốt vơ vét của cải trong thành của Dã Tiên chứ không có ý định giết Anh Tông[20]. Dã Tiên đành mang ông trở về doanh trại cũ trong sa mạc, huy động thêm lực lượng để mở chiến dịch mới đánh trung nguyên.

Được tin Anh Tông bị bắt, triều đình nhà MinhBắc Kinh gấp gáp đối phó, lập em ông là Thành vương Chu Kỳ Ngọc lên làm vua mới, tức là Minh Đại Tông, lấy niên hiệu là Cảnh Thái và vọng tôn ông làm thái thượng hoàng. Tôn thái hậu và hoàng hậu thu gom rất nhiều vàng bạc châu báu lên xe để chuẩn bị xin đánh đổi lấy Anh Tông[21].

Trong số những người bị bắt cùng Anh Tông, có hoạn quan Hỉ Ninh đầu hàng Dã Tiên, mang tình hình Trung Nguyên nói với Dã Tiên. Cuối tháng 9 năm 1449, Dã Tiên tập hợp xong lực lượng các bộ tộc, kéo xuống phía nam tấn công Bắc Kinh. Ngày 1 tháng 10 quân Mông Cổ đến Đại Đồng. Đến chân thành, Dã Tiên tuyên bố ý định mang Anh Tông về để khiến nội bộ nhà Minh thù hận giết nhau. Anh Tông biết Dã Tiên sẽ không giết mình. Nhân lúc có tri phủ Hoắc huyện lén dâng ngỗng và rượu, Anh Tông sai đi nói với Quách Đăng hết sức giữ thành Đại Đồng.

Quả nhiên khi Dã Tiên đến chân thành, Quách Đăng một lần nữa không chịu mở thành. Dã Tiên bèn tiến về Bắc Kinh. Quách Đăng phi báo về triều. Ngày 1 tháng 10, Dã Tiên tiến đến Lư Cầu Kiều. Minh Anh Tông viết thư sai người gửi cho Tôn thái hậu và vua em Cảnh Thái thông báo tình hình, đề nghị cố sức phòng thủ.

Ngày 13 tháng 10, quân Ngõa Lạt đánh thành. Quân Minh dưới sự chỉ huy của Thượng thư Bộ Binh mới là Vu Khiêm đã kháng cự mãnh liệt. Dã Tiên cố sức đánh không nổi, lại sợ viện binh quân Minh các nơi kéo đến chặn đường về, nên ngày 15 tháng 10 nhổ trại lui về phía bắc.

Được thả về nước

Qua lần công kích Bắc Kinh bất thành, Dã Tiên nhận ra ý định dùng Anh Tông tiến vào trung nguyên để khôi phục nhà Nguyên sẽ không thành công, mặt khác hai nước còn gián đoạn hoạt động buôn bán, tổn hại kinh tế không nhỏ. Vì vậy Dã Tiên bắt đầu có ý định trả lại Anh Tông[22].

Mùa đông năm đó, Anh Tông bị đưa lên ngựa trở về sa mạc, bên cạnh có 3 viên thủ hạ của Dã Tiên: Viên Bân, Hồ Ly và Cáp Minh thường ngủ cùng ông. Lâu ngày, quan hệ giữa ông và họ trở nên khá thân thiết. Dã Tiên đối đãi với Anh Tông rất hậu: 2 ngày cho 1 còn cừu, 5 ngày cho một con dê, 7 ngày cho một con bò; còn sữa bò sữa cừu không thiếu. Dã Tiên còn muốn gả em gái cho Anh Tông, nhưng ông tìm cách từ chối[22].

Sau nhiều lần dùng Minh Anh Tông làm chiêu bài để lừa và ép triều đình nhà Minh các điều kiện về đất đai không thành, sang năm 1450, Dã Tiên sai người báo với triều đình nhà Minh ý định trả lại Anh Tông về Bắc Kinh. Nhà Minh xảy ra tranh luận gay gắt về vấn đề đón ông về. Vua em Cảnh Thái không muốn nhường lại ngôi vị nên lấy lý do Dã Tiên nhiều lần gian dối trong việc nghị hòa để phản đối[23]. Sau khi bàn bạc với các đại thần, Cảnh Thái quyết định sẽ đón Anh Tông trở về ở ngôi thượng hoàng, vì ngôi vua của Cảnh Thái đã định[24].

Ngày 1 tháng 7 năm 1450, sứ bộ nhà Minh do Lý Thực đứng đầu lên đường đưa thư, nhưng nội dung chỉ nói tới nghị hòa không nói tới việc đón thượng hoàng Anh Tông. Ngày 11 tháng 7, Lý Thực tới chỗ Dã Tiên. Dã Tiên để Lý Thực gặp Anh Tông. Anh Tông thông qua thư từ của sứ bộ, biết vua em Cảnh Thái không muốn đón mình về, bèn nhờ Lý Thực báo với vua em, mình sẽ lui về trông coi lăng tẩm tổ tông hoặc làm dân thường, không trở lại ngôi báu nữa; mặt khác ông cảnh báo vua Cảnh Thái, nếu còn để ông làm tù binh, Dã Tiên còn tiếp tục quấy rối biên cương phía bắc[25].

Anh Tông quy trách nhiệm bại trận cho Vương Chấn và tỏ ý căm hận hoạn quan Ninh Hỉ phản bội. Vì vậy ông đề nghị Dã Tiên để Ninh Hỉ cùng trở về với sứ bộ nhà Minh thương nghị với triều đình Cảnh Thái. Theo mưu kế do Anh Tông dặn trong mật thư, tướng Cao Bân đi tới Tuyên Phủ hợp tác với quân Minh trong thành, bắt giữ Hỉ Ninh mang xé xác[26].

Trong khi Lý Thực chưa về tới Bắc Kinh, Khả hãn Thoát Thoát cũng không thích sự chuyên quyền của Dã Tiên, bèn sai sứ đến giảng hòa với vua Cảnh Thái. Cảnh Thái sai Dương Thiện đi đáp lễ nhưng vẫn không đả động việc đón Anh Tông trở về. Nhưng Dương Thiện nuôi ý định đón Anh Tông, bèn tự mình bỏ ra rất nhiều tiền riêng mang nhiều lễ vật cho Dã Tiên và cố thuyết phục Dã Tiên. Kết quả Dã Tiên quyết định trao trả Anh Tông về.

Ngày 2 tháng 8 năm 1450, Minh Anh Tông lên đường trở về Trung Quốc sau 1 năm làm tù binh. Dã Tiên mang quân theo đưa tiễn nửa ngày đường. Khi chia tay, Dã Tiên lấy một bộ quần áo chiến và 1 bộ cung tên tặng ông. Còn Bá Nhan Thiếp Mộc Nhi tiếp tục đưa tiễn ông 2 ngày đường.

Anh Tông trở về qua Thổ Mộc Bảo, cúng tế các tướng sĩ tử trận trước kia. Ngày rằm tháng 8, ông trở về tới Bắc Kinh. Khi qua An Định Môn, vua em Đại Tông cùng văn võ bá quan ra đón, rồi đưa ông về ở trong Nam cung.